Chất lượng ánh sáng có thể phụ thuộc vào việc chọn đèn chiếu sáng dựa trên CCT, độ hoàn màu CRI, chỉ số R9 trong CRI, hệ số chói lóa URG …:
Nhiệt độ màu CCT (Color Temperature/CCT):
- Để chọn đèn chiếu sáng phù hợp với ứng dụng của mình, đầu tiên phải lựa chọn nhiệt độ màu CCT(màu sắc ánh sáng) phù hợp với nhu cầu sử dụng. Ánh sáng có nhiệt độ màu khác nhau, khi chiếu sáng sẽ tạo ra các hiệu ứng cảm nhận rất khác biệt.
- Nhiệt độ màu ánh sáng thường từ 2.700K đến 6.000K
Hình ảnh minh họa màu sắc ánh sáng chiếu lên các vật thể:
Màu sắc ánh sáng tạo nên các hiệu ứng cảm nhận khác biệt:
Chọn màu sắc ánh sáng nào?
- Nhiệt độ màu CCT của ánh sáng khi sử dụng đúng, sẽ làm tăng sự tinh tế của không gian chiếu sáng.
- Màu trắng ấm (2600K đến 3200K) được sử dụng tốt nhất trong phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ và hành lang để mang lại hiệu ứng thư giãn. – Màu trắng lạnh (3200K đến 4500K) được sử dụng tốt nhất ở những khu vực cần ánh sáng trong lành, tự nhiên, chẳng hạn như trong nhà bếp, phòng học, phòng tắm, văn phòng (để tăng cường sự tỉnh táo), xưởng, siêu thị và cửa hàng bán lẻ.
- Ánh sáng ban ngày (từ 4500K trở lên) được sử dụng tốt nhất ở những nơi bạn muốn có hiệu ứng rất sáng, điển hình là trong các ứng dụng công nghiệp, bệnh viện và đèn chiếu sáng an ninh.
Độ hoàn màu CRI (CRI – Color Rendering Index):
- Chỉ số hoàn màu CRI là chỉ số phản ánh sự trung thực của ánh sáng, được đánh giá thông qua sự trung thực của màu sắc vật thể khi được ánh sáng đó chiếu vào.
- Chỉ số hoàn màu của ánh sáng mặt trời (ánh sáng tự nhiên) được lấy làm chuẩn, để so sánh và xác định màu của các nguồn ánh sáng nhân tạo. Quy ước độ hoàn màu của ánh sáng mặt trời là CRI =100. Các nguồn sáng tốt là các nguồn sáng có chỉ số CRI từ 80 – 95. CRI càng cao thì mức độ đẹp, mức độ chân thực, sống động của vật thể càng cao.
- Đối với chiếu sáng đường phố, CRI tối thiểu 70, mới đảm bảo cho an toàn giao thông.
- Đối với các ứng dụng trong nhà, thường sử dụng các loại đèn có CRI tối thiểu 80.
Chỉ số R9 trong CRI:
- R9 là một trong những màu không có trong đo CRI, tuy nhiên bất cứ khi nào chất lượng ánh sáng LED được bàn tới, thì R9 thường được đề cập. Vì tỷ lệ một vài phần trăm của màu đỏ gần như có thể tìm thấy trong bất kì màu nào (màu đỏ có thể trộn với các màu sắc khác để tạo ra các màu sắc khác), do đó khả năng sao chép chính xác màu đỏ là chìa khóa làm cho màu sắc của các đối tượng được hiển thị chính xác hơn. Đèn có giá trị R9 cao tạo ra màu sắc sống động nhất.
- Tại sao giá trị R9 lại quan trọng? Màu sắc của nhiều mặt hàng, bao gồm thịt, cá, rau và hoa quả, có thể bị ảnh hưởng bất lợi bởi việc vẽ màu đỏ không chính xác.
- Chỉ số R9 trong CRI từ 50 trở lên sẽ được coi là “tốt” cho các ứng dụng chiếu sáng.
- Trong các khu vực ứng dụng chiếu sáng nhà hàng, khu vực bán lẻ, trang trí nghệ thuật … đòi hỏi đèn phải có chỉ số R9 cao. Nhiều mặt hàng thực phẩm như thịt, cá, trái cây, và rau quả mang nhiều màu đỏ nên nếu bóng đèn hiển thị những mặt hàng đó không có mức R9 thấp, thức ăn có thể bị biến màu, dẫn đến sự không hài lòng của khách hàng.
Hệ số chói lóa URG (độ chói lóa mất tiện nghi):
- UGR được định nghĩa là hệ số chói lóa đồng nhất (độ chói lóa mất tiện nghi) mà mắt con người có thể cảm nhận được. Ví dụ khi ta nhìn vào mặt đường thì không có cảm nhận chói lóa. Trường hợp với tờ giấy trắng mà ánh sáng chiếu vào tăng dần, đến một cường độ nào đó thì sẽ cảm nhận chói lóa (Khi đó UGR là 13). Từ ngưỡng cảm nhận chói đó khi tăng cường độ ánh sáng chiếu vào thì mắt càng cảm nhận khó chịu về độ chói, khi đó ta gọi là độ chói lóa mất tiện nghi.
- Thang giá trị của UGR: 13 – 16 – 19 – 22 – 25 – 28. Con số 13 là con số mắt người bắt đầu cảm nhận được chói lóa từ vật chiếu sáng hay vật chiếu sáng thứ cấp. UGR càng tăng thì độ chói càng tăng.